N1 Có Giá Trị Như Thế Nào?

A+ A-
Mới đây, thầy Kôi Nguyễn có chia sẻ bài viết rất hữu ích trên fanpage : Ở đây không ai Giỏi tiếng Nhật cả! về bằng N1 có quan trọng hay không, hay giá trị, ý nghĩa bằng N1 nằm ở đâu . Đặc biệt là dành cho người mới học Tiếng Nhật, hoặc bắt đầu tìm hiểu về Tiếng Nhật.

Không biết các bạn mới học tiếng Nhật có thỉnh thoảng nghe được những câu kiểu như là:
  • N1 khó lắm, ngay cả người Nhật cũng không làm được?
  • Học N1 làm gì, N2 rồi học thêm các kỹ năng khác là được rồi?
  • Bằng cấp không quan trọng. Quan trọng là thực lực,……

Còn nhiều câu khác nữa. Nhưng đại loại là những bình luận không đề cao giá trị của tấm bằng này. Và nói thật, anh là một trong số những người từng thở ra những câu như thế.
  • Anh từng rất tự hào vì chuyện mình có thể nhận được (khá nhiều) offers dù trong CV chỉ ghi mỗi có N2 năm 2015.
  • Anh từng rất vênh vì mình chỉ có N2 nhưng có thể ngồi cặm cụi sửa CV cho mấy bé N1 hẳn hoi.
  • Anh đã từng có cảm giác hả hê khi ngồi ở vị trí nhà phỏng vấn và chặt bay nóc mấy bạn N1 mà nói năng không ra được cái hồn gì.…
Và anh vừa lấy N1 vào đợt thi vừa rồi. Cảm giác như chính mình vả vào mặt mình bôm bốp. Nhưng thực sự, khi dò kết quả đỗ N1 (dù thực tình thì anh biết chắc chắn mình sẽ đỗ) nhưng trống ngực vẫn đánh lô tô và vẫn điên tiết lên vì mãi không dò được kết quả…Nói cách khác, anh coi trọng tấm bằng này nhiều hơn mình tưởng. Anh có đọc bài của Phát, và anh có đồng cảm với Phát ở nhiều điểm. N1 không phải là một giới hạn to tát của việc học tiếng Nhật. Với góc nhìn từ một người không cần chứng chỉ để có việc làm, và từng có kinh nghiệm dạy học hơi lâu năm, anh muốn đưa ra một vài điểm lợi mà N1 sẽ đem lại cho mọi người.

Về Kiến Thức

Anh từng làm khá nhiều công việc khác nhau, và hiện tại anh đang làm sales IT tại Nhật.

Đặc thù của công việc này là cần phải có một vốn kiến thức dàn đều ở nhiều lĩnh vực khác nhau vì khách hàng của công ty em có thể là một công ty công nghệ hoặc có thể là một hãng cà phê muốn làm hệ thống order sẵn trên điện thoại.

Anh đã nhìn thấy rất nhiều những từ vựng đắt giá giúp anh rất nhiều trong việc truyền tải thông tin một cách tự nhiên trong app 3000 từ vựng và trong sách Shinkanzen Master Goi.

Công việc sales đòi hỏi anh phải thường xuyên viết các văn bản business như mail, proposal, report và nói chuyện phải đảm bảo độ lịch sự, dài dòng,…


Những mẫu ngữ pháp anh hay dùng thường xuất hiện ở Shinkanzen Master N2 và N1.

Anh từng dịch light novel và manga cho vài nhà xuất bản ở Việt Nam. Trong quá trình đọc những thể loại văn gần gũi với cách nói chuyện thực tế của ng Nhật, anh thấy rất nhiều 表現 (cách diễn đạt) nằm đâu đó trong những cuốn sách luyện thi.

Cuốn Shinkanzen Master Dokkai là cuốn sách anh rất thích vì có rất nhiều bài đọc với nhiều chủ đề đa dạng. Anh khá bất ngờ là người ta đưa cả “Kafka bên bờ biển” của tác giả Murakami vào làm thành 1 bài văn dài để người học luyện đọc.

Kết luận : Những kiến thức trong phạm trù N1 thực sự rất thiết thực. Đặc biệt là phần ngữ pháp. (Ngữ pháp trong đề thi BJT chủ yếu thuộc phạm trù N1).

Về Giá Trị


Cơ hội về công việc N1 mang lại.

Như anh đã nói ở trên, anh là người được không quá lo lắng về vấn đề việc làm dù số chứng chỉ anh có chỉ vỏn vẹn cái bằng N2.

Nhưng, điều đó đánh đổi bằng việc anh bắt đầu đi làm từ 9 năm trước khi anh mới là sinh viên năm 2. Và anh may mắn được trực tiếp thể hiện khả năng của bản thân ngay trước mặt những người sếp cũ của anh chứ không thông qua phỏng vấn.

Anh từng nghĩ, anh làm được thì người khác cũng làm được.

Nhưng, anh nhầm.

Không phải ai cũng may mắn có 1 accent ổn như anh vì nó một phần phụ thuộc vào năng khiếu.

Không phải ai cũng có nhiều trải nghiệm để có thể trình bày và xử lý vấn đề 1 cách hợp lý như anh.

Và không phải ai cũng may mắn gặp được những người có sức ảnh hưởng để nâng đỡ họ đi lên bước đầu tiên trong sự nghiệp.

Với những người không có nhiều kinh nghiệm để khoe và trải nghiệm để show thì một chứng chỉ level cao là một thứ đồ trang điểm rất hữu hiệu để đánh bóng CV của bản thân.

Tất nhiên, đồ trang điểm chỉ giúp mình thu hút hơn, còn mình có hạ gục được đối phương hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Cơ hội về chất lượng cuộc sống.

Đây có thể là một điểm mà ít bạn để ý tới, nhưng với những người đã đi làm và ở trong độ tuổi phải lo lắng không chỉ cho bản thân mà còn cả cho gia đình sau này thì visa ở Nhật là một thứ phải nghiền ngẫm.

Và ở Nhật ngoài visa du học, visa thực tập sinh, visa lao động (mọi người hay gọi là visa kỹ sư) thì còn rất nhiều loại visa khác xịn hơn, nhiều chế độ tốt hơn.

Trong đó có 高度人材, Điều anh muốn nói là N1 sẽ cho các em 15 trên 70 (là số điểm tối thiểu để xin visa này).

Và anh nói thật. Lý do quan trọng thứ 2 để anh vượt lười lết xác đi thi N1 là vì để xin cái tấm visa ở trên.

Thoải mái về đầu óc.

Điểm này thì hơi buồn cười và có thể không đúng với số đông, nhưng đối với anh thì đây là lý do lớn nhất anh quyết tâm thi N1.

Lý do là vì, dù anh không có lo lắng nhiều về công việc nhưng cũng có nhiều trường hợp anh muốn nhận thêm job bên ngoài và mỗi lần gửi CV với chữ N1 tương đương, độ tin tưởng của số đông khách Việt sẽ giảm đi 1 nửa. (Thường các khách Nhật sẽ không quan tâm đến chứng chỉ vì nhìn vào cách viết CV của anh, người ta có thể soi ra được anh đang ở đâu rồi).

Hoặc đôi khi có một tổ chức nào đó liên hệ với anh để nhờ anh training giáo viên, nhận dạy những ca khó nhưng sau khi họ thấy anh chỉ có chứng chỉ N2 thì họ đành từ chối. Vì họ biết năng lực của anh, nhưng khách hàng của họ yêu cầu không có chứng chỉ N1 không được.

Ngoài ra, anh đi dạy cũng đã được 8~9 năm.

Trong số những bạn anh từng mắng, không ít người chỉ sau 1 thời gian ngắn đã cầm được bằng. Ngày anh đăng tin anh có N1, một học sinh cũ của anh vào đùa là học trò đỗ hết từ bao đời mà thầy mới lấy bằng… Nghe cũng khá là nhột.

Vì thế, đối với anh, N1 giống như một món nợ mà mình cần trả.

NHƯNG CÓ N1 CÓ PHẢI CÓ TẤT CẢ?

Câu trả lời hiển nhiên là: KHÔNG.

Trong cuốn INPUT 大全 (Một cuốn sách khá hay nói về cách thức để phát huy tối đa khả năng học tập) tác giả có nói:

「資格より資質」

Nghĩa là: Tư chất quan trọng hơn bằng cấp.

Và N1 hay tiếng Nhật chỉ là công cụ để chúng ta thể hiện tư chất của mình.

—> Điều quan trọng nhất là phải dùng ngôn ngữ thể hiện tư chất của mình.

Nếu em hỏi bất cứ một người nào đó đang đi làm ở các công ty lớn rằng: Em cần có base gì để có thể vào công ty anh/chị?

Phần nhiều, em sẽ nhận được câu trả lời là:
  • “Em cần có một tâm hồn đẹp!”
Lưu ý là đẹp, chứ không phải to.

Nhưng tâm hồn đẹp ở đây có nghĩa là em cần phải có mindset tốt, khả năng logical thinking xịn, khả năng logical writing, presentation xịn, hoặc bết bát nhất, em cần hiểu rõ bản thân em là ai trong cột đời này.

Anh lấy ví dụ như công việc sales IT của anh.

Không chỉ đơn giản anh phải hiểu về sản phẩm bên công ty anh, anh còn cần phải học cách lắng nghe khách hàng, học cách đặt những câu hỏi để khai thác ra vấn đề thực sự khách đang gặp phải.

Và anh cần phải học cách làm thế nào để cãi nhau một cách hòa bình với team phát triển của chính công ty mình,…

Những cái đó, nó thuộc về cách suy nghĩ. Tiếng Nhật level Business giúp anh diễn đạt những suy nghĩ ra một cách hay ho hơn.

Nhưng mindset quan trọng hơn.

Sau N1 thì học gì ?

N1 là một món trang sức đẹp. Nhưng thực sự thì khi đốp vào cái CV không một tí kinh nghiệm và không một chút hoạt động nào thì rõ ràng, nó không thể cứu vớt nổi.

Do đó, nếu như các em không giống như anh, lao ra đời bị đời vả từ sớm thì anh khuyên chân thành rằng:
  • Nếu các em còn có thể thoải mái học thì hãy chọn cho mình hướng đi mà mình muốn theo và học những thứ gắn liền với nó.
  • Nếu các em muốn làm các công việc văn phòng trong công ty Nhật. Hãy cố lấy BJT J1 trở lên và đèo bòng thêm chứng chỉ thư ký.
  • Nếu các em muốn làm công việc kế toán, hãy cố gắng lấy Boki 2kyu
  • Nếu các em muốn chập chững vào ngành IT và lo sợ mình không code được. Hãy tìm hiểu về IT passport.
  • Nếu các em muốn làm kỹ sư IT dù hiện tại kiến thức về CNTT đang là khả năng bấm phím comment thả meme thì hãy ngó ngay đến chứng chỉ FE
  • Nếu các em muốn làm biên phiên dịch, đừng quên đăng ký các khóa biên phiên dịch chuyên ngành.
  • Nếu các em muốn làm trong lĩng vực M&A, thương mại,… thì có rất nhiều các chứng chỉ khác đang chờ mọi người đắp lên mình.
Nhưng lưu ý : Chứng chỉ cũng chỉ là đồ trang điểm, kiến thức của nó ngấm vào đầu mới hình thành nên tư chất của mình.

Tổng Kết

Anh chỉ muốn nói – N1 là một chứng chỉ có giá trị nhất định.

Nếu đã xác định học N1 chỉn chu, hãy cố gắng lấy được nó thật sớm (để còn dành thời gian mà học những cái khác nữa)

Chúc các em đừng đi đường vòng như anh.

Bài viết dựa trên sự chia sẻ của thầy Kôi Nguyễn

Like facebook Thư viện tiếng Nhật để cập nhật bài viết mới

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn